Sự nghiệp Việt_Tú_(đạo_diễn)

Đạo diễn âm nhạc

Việt Tú chỉ đạo tập luyện cho Đại nhạc hội Viettel - Kết nối triệu tâm hồn, tháng 1 năm 2018.

Khi còn là thực tập sinh tại Đài truyền hình Việt Nam, Việt Tú đã tham gia và thành công với một chương trình độc lập hoàn toàn mới mẻ có tên Những bài hát trong phim, giới thiệu tới khán giả những ca khúc như "Bài ca trên đỉnh núi", "Hoa sữa", "Đời gọi em biết bao lần",...[9]. Cũng tại Đài truyền hình Việt Nam, anh thử sức trong chương trình VTV Bài hát tôi yêu khi làm MV cho ca khúc "Mùa đông sẽ qua" của ca sĩ Mỹ Linh.

Đầu năm 2002, ca sĩ Trần Thu Hà mời Việt Tú phụ trách chương trình Nhật thực[7]. Hai buổi trình diễn thành công với những hiệu ứng hình ảnh xuất sắc vào ngày 12 và 13 tháng 4 năm 2002 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã tạo nên tiếng vang cho sự nghiệp đạo diễn âm nhạc của Việt Tú[10][11]. Không lâu sau, anh đã có cơ hội thực hiện chương trình hòa nhạc cổ điển trên tầng thượng Khách sạn Melia đêm giao thừa năm 2003[9]. Sau đó, anh tiếp tục thành công với MV cho ca khúc "Sói con ngơ ngác" của ca sĩ Kasim Hoàng Vũ, và giành giải do hội đồng nghệ thuật bình chọn[12].

Ngay trong năm 2003, Việt Tú cùng Đài truyền hình Việt Nam lên kế hoạch thực hiện một cuộc thi mới phục vụ thị trường nhạc nhẹ. Để phân biệt với Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc - Sao Mai, họ cùng nhau xây dựng chương trình Sao Mai điểm hẹn, ra mắt vào năm 2004 với Việt Tú là tổng đạo diễn[13]. Thành công đặc biệt ấn tượng của Sao Mai điểm hẹn, từ nội dung, chất lượng, cho tới việc giới thiệu một lứa ca sĩ trẻ đầy tài năng như Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Phương Anh, Nguyễn Hồng Nhung, Ngọc Khuê, Lưu Hương Giang,[14]... đã giúp ê-kíp sản xuất giành ngay giải thưởng "Chương trình của năm" tại Giải thưởng âm nhạc tiền Cống hiến vào năm 2005[15].

Cũng từ năm 2003, Đài truyền hình Việt Nam còn muốn thực hiện một chương trình âm nhạc mới có ý nghĩa tôn vinh chân dung nhạc sĩ - nghệ sĩ gạo cội. Xuất phát từ ý tưởng của Việt Tú[16], sau 2 năm chuẩn bị[17], Con đường âm nhạc số 1 với chân dung nhạc sĩ Phú Quang[18] được ra mắt vào đầu năm 2005 với ê-kíp bao gồm biên kịch Chu Minh Vũ, đạo diễn Việt Tú, MC Đỗ Trung Quân và giám đốc âm nhạc Trần Thanh Phương[19]. Các chương trình Con đường âm nhạc tiếp theo tôn vinh các nhạc sĩ Dương Thụ, Nguyễn Cường, Thanh TùngPhó Đức Phương thu hút được nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia, và đều được công chúng đón nhận tích cực[20][21].

Sau 5 số của Con đường âm nhạc vào cuối năm 2005, Việt Tú chia tay ê-kíp để sang Mỹ du học[19] chuyên ngành Đạo diễn sân khấu giải trí & Nghệ thuật đương đại bán thời gian. Không lâu sau, anh là đạo diễn Việt Nam duy nhất cộng tác cùng ê-kíp Hàn Quốc trong chuyến lưu diễn của ca sĩ Bi tại Việt Nam vào tháng 6 tại Việt Nam[22][23].

Song song với việc nghiên cứu tại Mỹ, đạo diễn Việt Tú vẫn tiếp tục sản xuất các chương trình nghệ thuật và âm nhạc lớn trong nước, liveshow đầu tay của ca sĩ Tùng Dương Những chuyến đi (2011)[24][25]. Anh tạo dựng và trực tiếp phụ trách trong vai trò giám đốc sáng tạo của Không gian âm nhạc (2011-2012)[26][27] rồi Bài hát yêu thích (2012-2015)[28][29]. Tiếp tục với tổ chức sự kiện âm nhạc, anh trực tiếp đạo diễn liveshow Mùa đông concert (2013)[30][31] quy tụ các tên tuổi hàng đầu của làng nhạc nhẹ Việt Nam, ngoài ra còn có Hồ Ngọc Hà Live Concert (2011)[32][33] và 2014[34][35]), Đêm Việt Nam tại Moskva (2013-2014)[36], và đặc biệt vở ballet 3D Hồ thiên nga vào tháng 8 năm 2015[37].

Năm 2017, Việt Tú lần đầu thử sức trong lĩnh vực gameshow khi phụ trách chương trình Sao đại chiến, một trong những chương trình thành công của Đài truyền hình Việt Nam[38][39]. Trong năm 2018, anh tiếp tục đóng góp nhiều sự kiện lớn, trong đó có vai trò đạo diễn lễ trao giải We Choice Awards 2017 tại thành phố Hồ Chí Minh[40][41] và đặc biệt là chương trình Festival âm nhạc Cocofest 2018[42][43].

Đạo diễn sự kiện văn hóa

Việt Tú (trái) cùng ca sĩ Luis Fonsi tập luyện tại Liên hoan âm nhạc Cocofest, Đà Nẵng, tháng 4 năm 2018.

Thành công liên tiếp đã giúp Việt Tú được giao trọng trách vô cùng đặc biệt, đó là Tổng đạo diễn hình ảnh cho lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 22 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 12 năm 2003[1]. Toàn bộ chương trình được thực hiện bằng 18 camera và truyền hình trực tiếp tới hàng trăm triệu khán giả của toàn bộ các nước trong khu vực.

Kể năm 2005, anh thử sức sang lĩnh vực thời trang với việc trở thành Tổng đạo diễn của Đẹp’s Fashion Show của tạp chí Đẹp[44][45]. Đây là một trong những chương trình tiên phong về trình diễn đa ngành nghệ thuật đương đại của Việt Nam[46]. Gần như ngay sau đó, anh trực tiếp kịch bản và đạo diễn show diễn kịch hát "Vở thời trang, Cơn ác mộng người thợ may" (2006)[47]. Chương trình cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực trong vai trò giới thiệu những hình thức mới về trình diễn sân khấu. Ngoài ra, còn có thể kể tới chương trình trình diễn "Bữa tiệc của các tín đồ" (2007) – show thời trang tóc đầu tiên tại Việt Nam được dàn dựng theo cấu trúc một vở kịch cổ điển[48][49][50]. Đây cũng là cơ sở để anh còn tham gia thêm vào một số chương trình thời trang khác như F-Fashion (2011)[51], Lynk Fashion Show (2014 và 2015)[52][53].

Năm 2008, Việt Tú được giao trọng trách đạo diễn chương trình Đại nhạc lễ mừng Lễ Phật đản Thế giới tại Việt Nam[54]. Kể từ năm 2009, anh là đạo diễn của loạt chương trình âm nhạc Phật giáo thường niên bao gồm Hương sen màu nhiệm[51], Hương Thu Ca và Khánh Đản. Không chỉ vậy, anh còn tham gia tổ chức chương trình Lễ Vu Lan của Phật giáo Mật Tông tại London, Anh.

Việt Tú cũng chính là đạo diễn chương trình Hoa hậu Việt Nam 2010[55], từng được báo Thể thao & Văn hóa đánh giá là một trong những chương trình thành công nhất trong lịch sử cuộc thi này. Những sự kiện văn hóa khác cũng từng được anh làm đạo diễn còn có Giờ Trái đất[51] 2011 và 2018, Festival biển Nha Trang 2011[56], Đà Nẵng Countdown (2012-2017)[57], Hành trình bài ca sinh viên 2014 và 2015[58][59],...

Việt Tú cũng là lựa chọn hàng đầu của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam. Anh từng là đạo diễn chương trình Cuộc đối thoại số 1 (2007) giới thiệu dòng sản phẩm điện thoại N-series của Nokia. Anh cũng là tổng đạo diễn và nhà sản xuất lễ khai trương thương hiệu Hermès tại Hà Nội vào năm 2008 và Piaggio Vespa S năm 2010. Ngoài ra, Việt Tú còn làm giám đốc sáng tạo cho Rolls-Royce Motor Cars Việt Nam (2013), tổng đạo diễn và sản xuất sự kiện Vietnam Airlines tiếp nhận tàu bay mới và thay đổi bộ nhận diện thương hiệu cũng như sự kiện ra mắt mạng Halotel của Viettel tại Tanzania (2015). Gần đây, anh đạo diễn lễ khai trương Vinhomes Central Park (2016), lễ hội âm nhạc thời trang ngoài trời lớn nhất Việt Nam Honda Vision Steps of Glory (2017) và Đại nhạc hội Viettel 4G (2018).

Nhà tổ chức sự kiện

Với nhiều kinh nghiệm trong tổ chức và đạo diễn âm nhạc, năm 2011, Việt Tú quyết định thành lập công ty Dream Studio nhằm sản xuất các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao. Ngoài việc là điểm đến uy tin của nhiều nghệ sĩ danh tiếng như Tùng Dương, Trần Thu Hà, Phương Linh, Mỹ Tâm, Dream Studio còn là công ty tiếp quản chương trình Không gian âm nhạc và quản lý nhiều tên tuổi khác của làng nhạc Việt, có thể kể tới Phạm Thu Hà[60]. Album đầu tay của cô Classic Meets Chillout do Dream Studio sản xuất[61] đã được trao giải Cống hiến 2013 cho "Album của năm" cùng đề cử cho "Nghệ sĩ mới của năm"[62].

Tới năm 2013, Việt Tú cũng thử sức sang lĩnh vực nhà hát, với việc thành lập công ty Nhà hát Việt (Viet Theatre) nhằm sân khấu hóa nghệ thuật Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, thông qua chương trình Tứ phủ, phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam trình diễn vào dịp cuối tuần tại Rạp Công nhân, Hà Nội[63]. Chương trình nhận được nhiều đánh giá tích cực, là nơi tổ chức Lễ chào mừng Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại Tín ngưỡng thờ Mẫu từ UNESCO vào năm 2016[64][65] và được Sở du lịch thành phố Hà Nội lựa chọn là một trong những điểm đến văn hóa đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Không những vậy, Tứ phủ cũng có được những thành tựu nhất định khi đi lưu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh[66] và quốc tế[67].

Vào cuối năm 2015, Việt Tú cũng táo bạo thực hiện vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam Thuở ấy Xứ Đoài, ra mắt vào giữa năm 2017 với sự tham gia của 140 nông dân trên một diện tích mặt hồ lên tới 3.000 m2[68][69]. Tuy nhiên, vở diễn hiện đã tạm dừng sau những bất đồng với ban tổ chức[70][71][72].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Việt_Tú_(đạo_diễn) http://baonga.com/tin-moi-nhat.nd203/btc-dem-viet-... http://web.archive.org/web/20131015181813/https://... http://www.baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/davines... http://cand.com.vn/van-hoa/Dep-Fashion-Show-7-Mot-... http://cand.com.vn/van-hoa/Ve-mien-phi-trong-dem-c... http://cstc.cand.com.vn/Nhan-vat-hot/Viet-Tu-dao-d... http://dantri.com.vn/am-nhac/tu-cua-con-duong-am-n... http://dantri.com.vn/giai-tri/cau-chuyen-phuc-hung... http://dantri.com.vn/giai-tri/viet-tu-khong-choi-k... http://tamlongvang.laodong.com.vn/van-hoa/dao-dien...